Khóa học “Kinh nghiệm triển khai công tác khảo thí tại các cơ sở giáo dục đại học”
Khóa học “Kinh nghiệm triển khai công tác khảo thí tại các cơ sở giáo dục đại học”

Nhằm hỗ trợ các Cơ sở giáo dục (CSGD) trong việc học hỏi kinh nghiệm triển khai công tác khảo thí, Viện đào tạo Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM (IEI) đã tổ chức Khóa học “Kinh nghiệm triển khai công tác khảo thí tại các cơ sở giáo dục đại học”.

Chương trình tập huấn được tổ chức từ ngày 27 đến 28/4/2021 tại Trụ sở IEI, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình có sự tham gia của hơn 40 học viên đến từ 10 CSGD, hiện đang là lãnh đạo các phòng ban chức năng/khoa, giảng viên, chuyên viên phụ trách công tác khảo thí tại đơn vị. Đại diện trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tham dự gồm các viên chức, giảng viên của phòng Quản lý chất lượng và các các khoa có CTĐT sẽ được đánh giá ngoài theo chuẩn AUN-QA trong năm 2022 gồm: khoa Công nghệ Hoá học và Thực phẩm, khoa Môi trường và Tài nguyên, khoa Thuỷ sản, và khoa Lâm nghiệp.

Khóa tập huấn được thiết kế với chuỗi bài giảng xoay quanh những vấn đề trọng tâm liên quan đến công tác khảo thí trong các CSGD đại học hiện nay cùng những chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế của các chuyên gia, cán bộ chủ chốt đã tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành và cải tiến công tác này.

Nội dung của khóa tập huấn bao gồm:

1. Cung cấp cho học viên hiểu biết tổng quan những vấn đề liên quan đến công tác khảo thí tại các CSGD đại học hiện nay.

2. Giới thiệu cho học viên các kỹ thuật, phương pháp ứng dụng và hỗ trợ trong công tác khảo thí hoạt động đào tạo.

3. Hướng dẫn cho học viên cách thức xây dựng và triển khai quy trình, hoạt động bảo đảm chất lượng trong công tác khảo thí.

4. Tạo cơ hội thực hành, thảo luận và trao đổi với các thầy cô đã có kinh nghiệm trực tiếp triển khai và quản lý công tác khảo thí tại các CSGD đại học.

Việc tham gia khóa học này đã giúp các thành viên phụ trách công tác khảo thí của nhà trường hiểu biết tổng quan về cách thức tổ chức, quy trình hoạt động và đảm bảo chất lượng công tác khảo thí trong CSGD đại học; nắm bắt được các phương pháp thiết kế hoạt động kiểm tra đánh giá hướng đến việc đạt chuẩn đầu ra; hiểu biết về các kỹ thuật chuyên sâu ứng dụng trong công tác khảo thí như phân tích, đánh giá độ giá trị/tin cậy của đề thi, cách sử dụng kết quả thi.

Kiểm tra, đánh giá được xem là khâu cuối cùng trong quá trình đào tạo nhằm đo lường kết quả đạt được của người học so với mục tiêu đặt ra, qua đó đơn vị đào tạo có cơ sở thực hiện các điều chỉnh và cải tiến chất lượng hoạt động. Để đo lường chính xác kết quả đào tạo, hoạt động kiểm tra đánh giá phải đảm bảo các nguyên tắc về tính khách quan, tính giá trị và tính khoa học thông qua việc triển khai các nghiệp vụ và quy trình đặc thù của công tác khảo thí. Có thể nói, đẩy mạnh phát triển công tác khảo thí là mục tiêu quan trọng mà các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay hướng đến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đưa thương hiệu của nhà trường hội nhập với khu vực và thế giới.

Phòng Quản lý chất lượng